Phát là làm cho bốc lên, làm cho tan đi, làm cho ra mồ hôi. Biểu(bên ngoài, bì da) là đối ngược với lý(bên trong, phủ tạng). Theo nội kinh, ba kinh dương (thái dương, thiếu dương, dương minh) là biểu, ba kinh âm (thái âm , thiếu âm, quyết âm) là lý.

Trong ba kinh dương, Thái Dương là biểu ở phần biểu, Dương Minh là lý ở phần biểu, còn Thiếu Dương là nửa biểu nửa lý.

Tà khí (khí độc của trời đất) gây tổn hại tới cơ thể người, đầu tiên sẽ xâm nhập vào phần biểu, rồi dần dần truyền vào phần lý. Nó bắt đầu từ kinh thái dương, rồi đến thiếu dương, dương minh. Rồi tiếp đó xâm nhập tới phần ý- kinh âm, từ thái âm, thiếu âm, rồi tới quyết âm; truyền hết 6 kinh. Kẻ chữa bệnh gặp những chứng đó, nên ngay lúc tà khí còn ở phần biểu mà làm cho bốc lên hoặc tan đi, hoặc theo mồ hôi mà ra, khiến cho nó khỏi truyền qua các kinh mà vào phần lý thì bệnh dễ khỏi.

Nếu như biểu tà (bệnh ở bì da) chưa hết mà vội hạ (cho đi đại tiện) thì nó thừa cơ hội đi vào lý, bệnh sẽ nặng thêm. Hay là lỡ dùng thuốc bổ thì nội tà bị vít, không ra sẽ thành bệnh nguy.

Những thuốc phát biểu là những thuốc chuyên dẫn bệnh trong cho tiết ra ngoài bì vậy.

Trong sách thuốc gia truyền kinh nghiệm chương 1, có 13 bài thuốc đã được đề cập tới:

  1. Ma hoàng thang
  2. Quế chi thang
  3. Đại thanh long thang
  4. Tiểu thanh long thang
  5. Cát căn thang
  6. Ma hoàng phụ tử tế tân thang
  7. Thăng ma cát căn thang
  8. Sài cát giải cơ thang
  9. Cửu vị khương hoạt thang
  10. Thập thân thang
  11. Thân truật tán (gồm: thái vô thân truật tán, cục phương thần truật tán, hứa học sĩ thần truật tán)
  12. Xuyên khung trà điểu tán
  13. Tái tạo tán

1.Bài MA HOÀNG THANG.

Chữa chứng Thương hàn thuộc kinh Thái Dương, là khi còn ở phần biểu, phát sốt, nhức đầu, đau mình, đau lưng, đau các đốt xương, ghét lạnh ghét gió, không ra mồ thôi, mạch phù và khẩn. Chứng Thương hàn hợp bệnh nhĩa là cả hai kinh thái dương và dương minh đều mắc bệnh cũng dùng bài này.

  1. Ma hoàng (bỏ đốt) – 2 đồng
  2. Quế chi – 2 đồng
  3. Hạnh nhân (bỏ vỏ)- 7 hột
  4. Cam thảo (trích)- 1 đồng

Dùng 1 bát nước, cho ma-hoàng vào trước, đun sủi vài lượt và vớt bỏ hết bọt, rồi cho 3 vị kia vào sắc cạn già nửa, uống nóng, uống rồi đắp chăn. Hễ thấy mồ hôi ra nhiều thì thôi, dẫu còn thuốc cũng không cần uống nốt. Nếu mồ hôi chưa ra thì uống tiếp.

Những thuốc trên bài này đều thuộc về kinh túc thái dương. Ma hoàng rỗng giữa, vị cay, tính nóng, là thuốc riêng của phế mà vào kinh thái dương, có thể khai được tấu lý (thớ da thớ thịt) làm tan khí lạnh. Quế chi vị cay, tính nóng, có thể dẫn tà khí ở phần vinh(vệ-khí) ra đến cơ biểu(ngoài da). Hạnh nhân vừa khô vừa cam, có sức tán hàn (làm tan khí lạnh) và giáng khí (làm cho khí đi xuống). Cam thảo vị cam, tính bình có sức phát tán tà khí và điều hòa tỳ vị. Nội kinh nói rằng: khí lạnh vít ở bên trong, trị bằng thuốc cam nhiệt. Du gia ngôn bàn về bài này có nói: Ma hoàng là thuốc phát hãn (cho ra mồ hôi); nhưng sức mạnh quá cao cho nên phải dùng quế chi để chế bớt đi, lại dùng cam thảo cho sức nó dịu lại và hạnh nhân làm cho phần khí lui xuống. Đó cũng như cưới ngựa mà giữ cho nó khỏi nhảy lồng lên. Bài này nếu bỏ quế chi , gia thêm Thạch cao thì gọi là Ma hoàng, hạnh nhân, cam thảo, thạch cao thang, chữa bệnh thương hàn sau khi đã cho ra mồ hôi, hoặc cho ra đại tiện- không dùng thêm quế chi nữa.

Cũng chữa bệnh ôn ngược, sốt rét nóng, sốt trước, rét sau. Bài này thêm bạch truật, gọi là ma hoàng gia chuật thang. Bài này chữa bệnh thấp, lưng mình đau nhức và buồn bã, nên cho ra mồ hôi.

Bài này bỏ Quế chi, Hạnh nhân, thêm phụ tử, gọi là ma hoàng phụ tử thang, chữa chứng mạch trầm, bụng đầu mà hư, đó là hơi nước bị đọng, cho ra mồ hôi thì khỏi. Bài này bỏ Quế chi, hạnh nhân gọi là cam thảo ma hoàng thang, chữa bệnh quanh mình, mặt mũi đều vàng và thũng, mạch trầm, tiểu tiện không lợi. Bệnh này dùng bài này cũng phải đắp chăn cho ra mồ hôi.

Bài này bỏ quế chi, mà Ma hoàng dùng cả đốt, hạnh nhân không bỏ vỏ, cam thảo để sống thì gọi là Tam huyễn thang, chữa chứng cảm mạo, ho và mũi tắc.

Nếu người bệnh, xích mạch trầm trì hoặc họng ráo, cổ khô hoặc ho mà tiểu tiện đi nhiều, hoặc đổ máu cam, hoặc đã ra mồ hôi rồi, hoặc phát mụn nhọt, thì không thể dùng được bài này.

2. Bài QUẾ CHI THANG.

Chữa bệnh Trúng phong, thuộc kinh thái dương, phát sốt, nhức đầu, đổ mồ hôi, sợ gió, sợ lạnh, mũi thở khò khè, nôn khan; và bệnh thương hàn về kinh Dương minh, mạch trì, đổ mồ hôi nhiều, hơi ghét lạnh (đó là tà khí ở phần biểu chưa giải hết, có thể phát hãn thêm)

  1. Quế chi 8 đồng
  2. Thược dược 3 đồng
  3. Sinh khương 3 đồng
  4. Cam thảo 2 đồng
  5. Đại táo 2 quả

Dùng 1 bát nước sắc, sắc cạn đi già nửa. chia làm hai, uống nóng , cách 1 lúc ăn 1 ít cháo lỏng để giúp sức cho thuốc rồi đắp chăn. Hễ thấy mồ hôi đổ ra rồi mà bệnh khỏi thì nửa kia không cần uống nốt, nếu bệnh chưa khỏi thì phải uống nốt nửa nữa.

Đây là thuốc của kinh túc thái dương. Trọng Cảnh (người chế ra bài này) cho thuốc phát hãn là nặng, thuốc giải cơ(hóa giải khí độc ở phần da thịt ) là nhẹ, bệnh trúng phong không thể cho ra mồ hôi quá nhiều, nếu mồ hôi quá nhiều thì sẽ làm cho vinh huyết bị động chỉ có thể dùng thuốc giải cơ mà thôi. cho nên ông mới dùng bài thuốc này để điều hòa.

Trong bài: Quế chi vị tân mà cam, có sức phát tán , làm chủ, thược dược vị toan, có sức thu liễm làm phụ. Cam thảo vị cam, tính bình, giữ cho âm khí khỏi bị tiết ra. Sinh khương vị tân, tính ôn, có sức phát tán. Đại táo vị cam, tính ôn, có sức điều hòa. Ba vị sau làm tá (giúp sức) và sứ (đưa đường) ấy là không chuyên chủ mặt phát tán, mà cũng làm cho tân dịch trong Tỳ lưu thông mà điều hòa Vinh vệ vậy.

Bài này thêm bạch truật, xuyên khung, khương hoạt, phòng phong, di đường (đường phèn) thì gọi là sơ can thực biểu thang, chữa những chứng như trên.

Bài này bỏ thược dược, sinh khương, gọi là quế chi cam thảo thang, chữa bệnh mồ hôi ra nhiều quá, tay cứ phải xoa vào bụng, dưới bụng hơi động, muốn có được vật đè vào.

Bài này thêm phụ tử, gọi là quế chi phụ tử thang, chữa bệnh Thương hàn về kinh thái dương , có vị phát hãn mà mồ hôi ra mãi không thôi, ghét gió, tiểu tiện khó đi, chân tay hơi co.

Bài này bỏ thược dược thêm phụ tử, cũng gọi là quế chi phụ tử thang, chữa bệnh thương hàn đã 8-9 ngày , khí lạnh, hơi ẩm dập nhau, thân thể đau tức buồn bực, không cựa quậy được, không nôn, không khái, mạch phù hư mà sác.

Bài này thêm nhân sâm 3 đồng, gọi là quế chi tần gia thang, chữa bệnh thương hàn sau khi đã ra mồ hôi, mình đau, mạch trầm, trì.

Bài này giảm đi 1 nửa cam thảo và tăng thược dược gấp đôi gọi là Quế chi gia thược dược thang, chữa bệnh thương hàn vì uống làm thuốc hạ mà đau bụng và biểu ra thành bệnh thương hàn về kinh thái âm.

Bài này bỏ quế chi, thêm phục linh, bạch truật gọi là quế chi khứ quế gia linh chi truật thang. Chữa bệnh thương hàn sau khi đã uống thuốc hạ mà vẫn còn thở (đó là biểu tà chưa hết).

Bài này bỏ thược dược thêm phục linh gọi là Phục linh quế chi cam thảo đại táo thang chữa bệnh thương hàn sau khi đã dùng thuốc hạ mà dưới rốn thấy động, muốn thành ra chứng 4 đồn: một thứ sán khí – tức là đau bụng có hòn, hòn ấy ấy hay chạy chỗ này chỗ khác.

Bài này hợp với ma hoàng thang mà phân lạng của ma hoàng thang chỉ dùng bằng nửa bài trước gọi là quế chi nhị ma hoàng nhất thang. Chữa bệnh thương hàn về kinh thái dương, sau khi mồ hôi ra nhiều mà còn nóng lạnh từng cơn như bệnh sốt rét, mỗi ngày lên cơn vài lần.

Nếu người bệnh :không có mồ hôi, hoặc tiểu tiện đi luôn, hoặc chân tay vật vã, mình lạnh , nhưng không ghét lạnh lại ghét nóng, hoặc mồ hôi tự đổ mà tiểu tiện năng đi, đều không dùng được bài này.

Chú ý: Hai bài Ma hoàng thanh và Quế chi thang đều là phương của ông Trương trọng cảnh chế ra . chuyên chữa bệnh thương hàn.

Như Lãn Ông đã theo thuyết của Phùng thị mà nói trong sách y tôn tâm lĩnh, thì sử ta cũng không có bệnh thương hàn, không thể dùng được ma hoàng, quế chi. Nhưng đó có lẽ cũng vì 2 loại này là thuốc loại mạnh dữ, dùng không trúng bệnh, sẽ có nguy hiểm tức thì, cho nên Lãn ông nói vậy để răn người sau mà thôi. Kỳ thực Ma hoàng, Quế chi chỉ là những thuốc phát biểu. Tuy rằng xứ ta nóng nực, người mình da thịt dão bở, thuốc phát hãn không cần dùng những vị mạnh như bên tầu, nhưng đó chỉ là trường hợp thông thường, còn nếu gặp những trường hợp đặc biệt, nghĩa là Hàn tà và bí vít quá, những thuốc thường không thể làm cho phát tán, cần mình Ma hoàng, quế chi.

Dùng thuốc cốt là để chữa bệnh, nếu đúng bệnh thì Nhân ngôn, Vỏ dãn có thể cứu người, mà không trúng bệnh thì cam thảo, thục địa cũng có thể giết người. Vì vậy biên giả đã kinh nghiệm nên dám nói 2 vị ma hoàng, quế chi, xứ ta cũng dùng được, có điều tùy bệnh nặng nhẹ. Dẫu vậy vẫn cần xem xét cẩn thận, cân nhắc đồng cân , đồng lạng cho thật kĩ, nếu còn chút nghi ngờ thì không nên dùng. Các thuốc phát hãn như Phòng phong, Khương Hoạt cũng vậy, mùa hè thì cũng không nên dùng.

2. Bài ĐẠI THANH LONG THANG

Chữa bệnh trúng phong về kinh thái dương, mạch phù khẩn, mình mẩy đau nhức, phát sốt, ghét lạnh, không ra mồ hôi, mà buồn bực vật vã. Lại chữa bệnh thương hàn mạch phù khẩn, mình không đau nhưng nặng nhọc khó chịu

  1. Ma hoàng – 6 đồng
  2. Quế chi – 2 đồng
  3. Hạnh nhân – 4 hột
  4. Sinh khương – 3 đồng
  5. Đại táo – 2 quả
  6. Cam thảo – 2 đồng
  7. Thạch cao – 3 đồng

Dùng 1 bát nước , đổ ma hoàng sắc kĩ trước, đổ bã rồi đổ các vị sau vào, đun cạn già lửa, chia làm 2 phần, uống một phần , nếu ra mồ hôi thì thôi, nếu chưa ra mồ hôi thì uống nốt phần còn lại.

Đây là thuốc kinh túc thái dương, Thành vô kỳ nói rằng : bài quế chi chủ về bệnh trúng phong, bài ma hoàng chủ về bệnh thương hàn, nếu như vừa trúng phong vừa thương hàn thì muốn dùng thang Quế chi mà khu phong giải cơ nhưng lại không trị được hàn, muốn dùng ma hoàng để phát hãn , trừ hàn , nhưng lại không trừ được phong. Vì vậy Trọng cảnh phải chế ra bài Đại Thanh Long thang này để chữa chứng vừa thương hàn vừa thương phong.

Trong bài mua hoàng là thuốc Cam ôn, Quế chi là thuốc tán nhiệt, vì hàn hại phần vinh phải dùng thuốc ngọt mà làm cho hoãn lại, phong hại phần vệ phải dùng thuốc cay mà làm cho tan đi. Thế nên phải dùng Ma hoàng làm quân, Quế chi làm thần; Cam thảo để quân bình; hạnh nhân là thuốc cam khổ, có thể giúp ma hoàng về việc phát biểu, Đại táo để cam ôn, sinh khương là tân ôn, có thể giúp quế chi giải cơ, cho nên dùng làm tả, vinh vệ đều bị hại. Không phải là thuốc nhẹ có thể giải được, tất phải nặng, nhẹ đều dùng được, thì khí độc ở vinh và vệ mới hết, vì thế lại dùng thạch cao là thuốc tân cam, tính hơi bán, chất thì nặng, có sức thân lời cơ biểu làm sứ cho các vị kia.

Đào Tiết Âm nói rằng : Đại thanh long thang là thuốc mạnh, phải là bệnh phong, hàn đều nặng mới nên cho uống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *