Nước mía là nước giải khát rất quen thuộc có ở hầu khắp các tỉnh thành. Mùa hè nóng nực, uống cốc nước mía khiến bạn cảm thấy dễ chịu ngay lập tức. Tuy nhiên mía còn có nhiều công dụng quý với sức khỏe.

Theo Đông y, mía có vị ngọt tính mát; vào phế, vị. Tác dụng thanh nhiệt sinh tân, giáng khí lợi niệu. Trị thử nhiệt làm tổn thương tân dịch, đau họng, khản giọng, mất tiếng, viêm khí phế quản, ho đau rát họng, tiểu ít tiểu rắt, nhiễm độc thai nghén nôn ói phù nề, mất nước khát nước, táo bón. Rễ mía tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, chữa sỏi tiết niệu. Dùng 500 – 1000g/ ngày, ép lấy nước. Sau đây là một số thực đơn chữa bệnh có nước mía.

Nước mía: mía tươi róc vỏ, đẵn khúc ăn hoặc nước ép mía để mát uống. Dùng cho người bị sốt, khô họng, tiểu rắt.

Nước mía gừng tươi: nước mía ép 50 – 100ml, thêm nước gừng tươi theo tỷ lệ 7/1. Uống nhấp từng ít một. Trị trào ngược dạ dày thực quản, nôn ra thức ăn dịch vị.

Nước mía nóng: nước mía ép, đun cách thuỷ đến sôi, mỗi lần 100ml, ngày uống 3 lần. Dùng cho người bị nôn oẹ, nôn khan dai dẳng (nhiễm độc thai nghén, kích ứng ho gà…).

Cháo kê nước mía: nước mía 400g, hạt kê xát bỏ vỏ 200g. Nấu cháo, chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng tốt cho người viêm khí phế quản ho khan, miệng khô, họng khô, chảy nước mắt nước mũi.

Nước mía ngó sen: nước mía 500 – 100g, ngó sen 500g. Ngó sen nghiền ép vụn hoà lẫn với nước mía, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng cho người viêm đường tiết niệu cấp (tiểu rắt buốt, đau khi tiểu và tiểu ra máu).

Nước mía củ cải bách hợp: nước mía 100ml, nước ép củ cải 100ml; bách hợp 100g. Bách hợp nấu trước cho chín nhừ, cho nước mía và nước ép củ cải vào, đun sôi, khuấy đều. Uống trước khi đi ngủ. Dùng cho người viêm họng, viêm nóng thanh khí phế quản, ho khan.

Ngũ trấp ẩm: nước lê, nước mã thầy, nước lô căn, nước mạch môn, nước giá đỗ, lượng bằng nhau, hòa chung uống hoặc hấp cách thủy uống. Tác dụng thanh nhiệt sinh tân. Trị ôn bệnh làm tổn thương tân dich, miệng háo khát, họng khô, lưỡi đỏ ít rêu.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy nên thận trọng (chỉ dùng mía nướng hoặc nước mía đun sôi).

Một số bài thuốc từ mía:

2. Một số bài thuốc từ cây mía

Bài 1: Mầm mía 12g, củ gai 8g, ích mẫu 6g, củ ấu 4g, sa nhân 2g. Tất cả đem thái nhỏ, phơi khô, sắc nước uống, chia làm 2 lần trong ngày. Công dụng an thai

Bài 2: Nước mía 200ml, nước cốt gừng 10ml, chia uống trong ngày. Dùng trong trường hợp có thai buồn nôn.

Bài 3: Lá mía 30g, lá huyết dụ 30g, rễ mò trắng 80g, hoa mò đỏ 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc uống. Chữa bệnh khí hư ở phụ nữ.

Bài 4: Nước mía 250ml, nước ngó sen 250ml, nước sinh địa tươi 50ml. Trộn đều, chia uống trong ngày. Dùng trong trường hợp chảy máu cam, rong kỳ kinh nguyệt.

Bài 5: Nước mía, nước gừng, pha theo tỷ lệ 7/1; chia ra uống dần từng ít một trong ngày. Dùng trong trường hợp ăn vào thì nôn ngược ra ngay hoặc sáng ăn chiều nôn, tối ăn sáng nôn, miệng khô lưỡi rát, đại tiện táo.

Bài 6: Nước mía 200ml, gạo tẻ 100g, thêm nước vừa đủ nấu thành cháo, ăn trong ngày, ăn liền trong 7-10 ngày. Dùng cho người nóng trong, chữa ho do nhiệt.

Bài 7: Nước mía 50ml, mật ong 30g, trộn đều, chia uống 2 lần trong ngày, uống lúc đói bụng. Dùng trong điều trị chứng vị nhiệt, miệng đắng, kém ăn, đại tiện táo.

Bài 8: Nước mía 100ml, hâm nóng lên uống, ngày 3 lần. Chữa khô miệng, nôn khan liên tục.

Bài 9: Mía tươi 500g, ép lấy nước cốt; ngó sen 500g, thái nhỏ, ngâm trong nước mía nhiều giờ, chắt lấy nước; chia 3 lần uống trong ngày. Dùng trong trường hợp tiểu tiện bất lợi, tiểu buốt.

Bài 10: Nước mía, nước dưa hấu, mỗi thứ khoảng 120ml, trộn đều uống. Dùng trong trường hợp cảm nắng, sốt, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ.

Bài 11: Mía vỏ đỏ (bỏ vỏ và đốt) 40-60g, củ mã thầy (gọt bỏ vỏ) 40-60g, sắc lấy nước, chia uống trong ngày. Chữa ho khi lên sởi.

Bài 12: Lõi trắng ở ngọn cây mía, giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp vào nơi tổn thương, băng cố định lại. Chữa chín mé.

Bài 13: Lõi trắng ở ngọn cây mía 100g, bèo cái tía 100g. 2 thứ cùng giã nát; thêm 200ml nước đồng tiện vào đun sôi, để nguội. Chữa gót chân bị nứt nẻ, ngâm chân vào.

Bài 14: Cạo phấn trắng ở thân cây mía rắc vào nơi tổn thương, giúp cầm máu.

Nguồn : https://suckhoedoisong.vn/14-bai-thuoc-chua-benh-tuyet-voi-tu-cay-mia-169220305001901994.htm#:~:text=M%C3%ADa%20c%C3%B3%20t%C3%A1c%20d%E1%BB%A5ng%20thanh,ti%C3%AAu%20h%C3%B3a%20kh%C3%B4ng%20thu%E1%BA%ADn…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *